Huấn quyền truyền giáo của Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô

Vatican News

Tông huấn Niềm vui Tin Mừng - Evangelii Gaudium, được công bố vào ngày 24/11/2013, chắc chắn là một văn kiện cho thấy ý muốn mang đến cho Giáo hội một sự năng động truyền giáo mới của Đức cố Giáo Hoàng. Ngay từ những hàng đầu tiên của Tông huấn, được công bố vào cuối Năm Đức tin do Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tuyên bố trước khi từ nhiệm, Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã gợi lên Giáo hội này trong sự “đi ra”, một cụm từ sẽ xuất hiện thường xuyên trong các bài diễn văn và giáo lý của ngài.

Ngài viết trong Tông huấn: “Giáo hội đi ra là cộng đoàn các môn đệ truyền giáo, những người chủ động, dấn thân, đồng hành, sinh hoa trái và cử hành. Cộng đoàn truyền giáo này biết chủ động không lo sợ, ra đi gặp gỡ, tìm kiếm những người ở xa và đến ngã ba đường để mời gọi những người bị loại trừ”. Trong câu nói đặc biệt của năm 2013 này, có nhiều yếu tố gợi ý về hướng đi của Đức cố Giáo Hoàng, bắt đầu với “những người ở xa và bị loại trừ”.

Các linh mục và giáo dân truyền giáo

Đức cố Giáo Hoàng xác tín rằng, do bởi Bí tích Rửa tội, truyền giáo là ơn gọi đầu tiên của tất cả Kitô hữu. Tại buổi đọc kinh Truyền Tin Chúa nhật 23/10/2022, ngài nói: “Phải có nơi cho tất cả những người đã được rửa tội, ước muốn tham gia vào sứ vụ phổ quát của Giáo hội, qua việc làm chứng và loan báo Tin Mừng”. Khía cạnh này đã được ngài nhấn mạnh trong sứ điệp năm 2014, gửi đến Đại hội của Giáo phận Roma về chủ đề “Sứ vụ của giáo dân nơi các phố phường”. Ngài viết: “Khi gia nhập vào Giáo hội, mỗi thành viên của Dân Chúa đều là môn đệ và nhà truyền giáo”.

Đối với các mục tử, nhiều lần ngài nhấn mạnh sự cần thiết của lòng nhiệt thành truyền giáo, mời gọi các linh mục trở thành những mục tử của một Giáo hội ra đi vào giữa đàn chiên, là người “có mùi chiên”. Hai tuần sau khi được bầu chọn Giáo hoàng, dịp Thánh lễ khai mạc triều Giáo hoàng, ngài đã mời gọi các linh mục mang lấy “mùi chiên”, ra đi đến các vùng ngoại biên, nơi có đau khổ, đổ máu, bởi vì với “đức tin, chúng ta ra đi để trao ban chính mình cho người khác”.

Đức cố Giáo Hoàng đã thực hiện những điều ngài nhắn nhủ mọi người, qua nhiều cuộc viếng thăm đến các vùng ngoại vi của thế giới. Mỗi chuyến đi của ngài đều phản ánh lòng nhiệt thành truyền giáo mà ngài “mơ” cho tất cả Giáo hội.

Lòng nhiệt thành truyền giáo

Vào tháng 01/2023, tại các buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần, Đức cố Giáo Hoàng đã bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về “sự say mê truyền giáo” dành cho các tín hữu. Một chủ đề cấp bách và mang tính quyết định. Bởi vì cộng đoàn các môn đệ Chúa Giêsu được sinh là do bởi việc loan báo Tin Mừng, không chiêu dụ, và ngay từ đầu chúng ta phải phân biệt điều này: là những nhà truyền giáo, các tông đồ, những người loan báo Tin Mừng, không phải là những người đi chiêu dụ tín đồ. Ngài giải thích: “Chiêu dụ tín đồ là ngoại giáo, đó không phải là hoạt động tôn giáo, không phải là hoạt động loan báo Tin Mừng. Truyền giáo là có những lời tốt đẹp dành cho những người đã xa đàn chiên”.

Khi dạy về ý nghĩa của truyền giáo, ngài nói: “Thiên Chúa đau khổ khi chúng ta rời xa trái tim Người. Người đau khổ vì chúng ta không biết đến vẻ đẹp và sự ấm áp tình thương của Người. Nhưng, đáp lại nỗi đau này, Thiên Chúa không rút lui, nhưng trái lại, sẵn sàng chấp nhận rủi ro: để lại chín mươi chín con chiên đang được an toàn và mạo hiểm đi tìm con chiên bị lạc mất, làm một điều mạo hiểm, thậm chí là phi lý, nhưng lại phù hợp với trái tim mục tử của Người, một trái tim mang nỗi nhớ thương những ai đã rời xa. Nỗi nhớ thương những người đã bỏ đi luôn hiện diện nơi Đức Giêsu […]. Chúa Giêsu khao khát chúng ta, và đó chính là lòng nhiệt thành của Thiên Chúa”.

Chứng tá

Chứng tá là một khía cạnh cơ bản khác của sứ vụ, điều đã được Đức cố Giáo Hoàng nhấn mạnh trong “Hiến chương nền tảng của công cuộc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay”.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 22/3/2023, trích Tông huấn Evangelii Nuntiandi của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, ngài nói “Chúng ta không thể loan báo Tin Mừng nếu không làm chứng. Bởi vì con người ngày nay sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy. Và làm chứng cho Chúa Kitô là phương tiện đầu tiên của hoạt động loan báo Tin Mừng”.

Ngài nói thêm: “Chúng ta không thể tách rời chứng tá với những điều chúng ta tin, loan báo và chúng ta sống. Người ta không thể tin chỉ với lời loan báo về một giáo thuyết hay một ý tưởng. Người ta sẽ tin chúng ta nếu nơi chúng ta có sự hài hoà giữa điều chúng ta tin và những gì chúng ta sống”.

Trong buổi đọc Kinh chiều I ngày 01/10/2019, bắt đầu tháng truyền giáo, Đức cố Giáo Hoàng đã liên kết chứng tá với truyền giáo: “Chúng ta trở thành nhà truyền giáo bằng việc sống chứng tá” và “các chứng nhân sống bằng cách loan truyền sự bình an và niềm vui, vì tình yêu Chúa Giêsu yêu thương mọi người, ngay cả kẻ thù”.

Niềm vui truyền giáo

Về niềm vui truyền giáo, Đức cố Giáo Hoàng viết ở phần mở đầu của văn kiện Evangelii Gaudium: “Niềm vui Tin Mừng làm tràn ngập trái tim và cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu”. Theo ngài, nếu tất cả những người rửa tội được kêu gọi làm chứng cho Chúa Kitô, thì họ cũng được kêu gọi loan truyền niềm vui này.

Thế giới mà ngài mô tả trong Tông huấn là một thế giới có quá nhiều sự tiêu thụ đang đứng trước nguy cơ về một “nỗi buồn cá nhân”. Ngài viết: “Khi vì lợi ích cá nhân, đời sống nội tâm khép mình lại, người ta không còn chỗ cho người khác, người nghèo không thể bước vào, người ta không còn lắng nghe tiếng Chúa, không còn hưởng nếm niềm vui ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa, lòng nhiệt thành làm điều tốt không còn”.

Trước thực tế này, ngài khuyên các tín hữu hãy để cho niềm vui đức tin được thức tỉnh. Như thế niềm vui truyền giáo tràn ngập cộng đoàn các môn đệ phải không ngừng làm sống động cả nơi những người mang và cả những người lãnh nhận Lời Chúa. Nếu Lời được sống nơi người lãnh nhận thì đó là “một dấu chỉ” cho thấy Tin Mừng được loan báo sinh hoa trái.

Vào tháng 4/2022, tiếp một nhóm các bạn trẻ truyền giáo, Đức cố Giáo Hoàng đã trao cho họ chìa khoá cơ bản để tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Trỗi dậy”, để tái khởi động một tương lai đầy niềm hy vọng và bác ái cho anh chị em chúng ta. Theo gương người Samari nhân hậu chăm sóc những người bị đánh trọng thương, ngày nay chúng ta cần những người, đặc biệt những người trẻ có đôi mắt nhìn thấy những nhu cầu của những người yếu đuối nhất và một trái tim rộng mở có khả năng dâng hiến chính mình, và làm chứng cho sự Phục sinh đời đời, một hồng ân mà Kitô hữu nhận được khi lãnh nhận Thánh tẩy để sống như một người đã được phục sinh. Một hồng ân có thể chia sẻ với mọi người. Một chứng tá Tin Mừng qua chính cuộc sống sẽ có khả năng mở ra trái tim chai đá.

Trong Tông sắc Spes non confundit, Đức cố Giáo Hoàng nhắc lại việc thiết lập “các thừa sai thương xót” vào năm 2016, là dấu chỉ về sự quan tâm từ mẫu của Giáo hội dành cho Dân Chúa. Ngài kêu gọi tất cả những người đã được rửa tội làm chứng cho đức tin và tình yêu mà mỗi người đang mang trong tâm hồn, để đức tin có thể biến thành niềm vui, bác ái và lòng nhiệt thành, để mọi người có thể trao tặng một nụ cười, một cử chỉ thân thiện, một cái nhìn huynh đệ, một sự lắng nghe chân thành và một sự phục vụ nhưng không.

Nhiều nhà truyền giáo được phong thánh

Ngay từ những tháng đầu tiên của triều Giáo hoàng, Đức cố Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến ưu tiên truyền giáo, bằng cách, vào vào tháng 5/2013, phong thánh cho sơ Laura Montoya, sáng lập Dòng các Nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm, người đã dâng hiến cuộc đời cho người bản địa ở châu Mỹ Latinh. Và vào năm 2016, ngài đã phong thánh cho Mẹ Têrêsa, sáng lập Dòng các Nữ thừa sai Bác ái. Trong mắt ngài, vị nữ tu này là mẫu gương lòng nhiệt thành truyền giáo, vì “đã chăm sóc những người bị bỏ rơi chết bên vệ đường”. Ngài cũng ca ngợi vị Giám mục tiên khởi của Québec, Thánh François de Laval, người đã bảo vệ phẩm giá của những người bản địa; thánh José de Anchieta, tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha, một trong những nhà thừa sai đầu tiên ở Brazil; và Thánh Junipero Serra, tu sĩ Dòng Phanxicô người Tây Ban Nha, vị sáng lập Tổ chức Truyền giáo ở Hoa Kỳ. Trong lễ phong thánh cho tu sĩ Dòng Phanxicô tại Washington, ngày 23/11/2015, ngài nói: “Thánh Junipero Serra đã biết sống ‘một Giáo hội đi ra’, bằng cách rời bỏ quê hương, phong tục, can đảm mở đường. Thánh nhân đã biết ra đi gặp gỡ nhiều người, học cách tôn trọng phong tục và sự khác biệt của người khác”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Lời Chúa Hôm Nay

LỜI CHÚA HÔM NAY - LỜI CHÚA MỖI NGÀY - LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Thông Tin, Tin Tức Công Giáo – Dành cho người Công Giáo, các Kitô hữu, và những ai mong muốn tìm hiểu Đức Tin Công Giáo một cách sâu sắc hơn – Để yêu mến Chúa Kitô và Mẹ Hội Thánh hơn.

Copyright © 2024 LoiChuaHomNay.com.vn

Lời Chúa Hôm Nay
Kinh Mân Côi
Lịch Công Giáo